Đã thành thông lệ hàng năm vào ngày 1 tháng 9 âm lịch hằng năm, tại khu di tích Đền Cao, phường An Lạc, TP. Chí Linh sẽ diễn ra nghi lễ cúng Cơm Mới.
Cơm mới là nghi lễ cổ truyền của Việt Nam, được hình thành từ thời thượng cổ " Hồng Bàng truyện". Từ khi con người biết biết sử dụng công cụ lao động để trồng ra cây Lúa nhằm lấy lương thực để duy trì sự sống.
Tương truyền người dạy dân cày cấy trồng trọt là Thần Nông vị thủy tổ của người Bách Việt, người đã dạy dân: " Đẽo gỗ làm cuốc, chặt gỗ làm cày, vì dạy trồng trọt cho nên gọi là Thần Nông thị". Nghi lễ cúng cơm mới là nghi lễ tâm linh của người nông dân. Người dân chắt chiu những hạt gạo từ cây lúa mới đầu tiên trong năm, để nấu thành cơm trắng, làm thành các loại bánh dày, cơm nắm muối vừng... Những lễ vật rất đỗi bình dị, nhưng vô cùng tinh khiết thanh bạch, là sản phẩm nông nghiệp từ thủa sơ khai được kết tụ từ những tinh hoa của thiên địa mà tạo thành, là ngọc thực của chốn nhân gian vậy!
Các lễ vật được thành kính dâng lên để tạ ơn thần Nông, tạ ơn các vị Thánh, Thần bản địa, tạ ơn Tổ tiên nguồn cội trong những năm vừa qua đã chăm nom cho cây lúa được tươi tốt, mùa màng được bội thu. Đặc biệt đây là dịp người dân tỏ lòng cung kính, ái mộ, tri ân các vị Thần và tổ tiên có công trao truyền " nghiệp nông gia". Qua đó để cầu mong được thần bảo hộ cho một mùa màng năm sau được mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc. Đây là nét đẹp văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước cần được bảo, tồn nâng tầm và phát huy giá trị.
---------

Ban QL Di tích TP Chí Linh