NGHI LỄ “KHÂU ÁO THÁNH” TẠI QUẦN THỂ DI TÍCH ĐỀN CAO (AN LẠC)
Nghi lễ Khâu Áo Thánh được diễn ra vào ngày 18-19 tháng Giêng tại gian phía Tây toà Tiền tế đền Cao. Để thực hiện nghi lễ Khâu áo Thánh cụ trùm và quan đám trước đó 3 ngày phải ăn chay để được thanh tịnh, Ban khánh tiết chuẩn bị 8m vải áo màu vàng (hoa văn thêu hình rồng hoặc hoa văn chữ thọ) cùng các vật dụng cần thiết. Đúng 7 giờ sáng ngày 18, cụ Trùm và các quan đám có mặt tại đền Cao để hành lễ. Quan giáp Đông đại diện tiến một lễ chay vào hậu cung, tiếp đó làm lễ xin phép được khâu áo Thánh. Để đảm bảo sự thâm nghiêm trong khi thực hiện nghi lễ, các quan đám lấy vải đỏ quây kín gian phía tây của đền khoảng 12m2 và thực hiện khâu áo thánh trong khoảng không gian ấy. Cụ trùm và các vị quan đám với trang phục màu đỏ, đầu quấn khăn đỏ thực hiện vải áo theo mẫu có sẵn thành từng mảnh sau đó phân cho các quan đám thực hiện khâu từng công đoạn để hoàn thiện áo Thánh. Trong các vị Thánh được phụng thờ chỉ có Đức Thánh Vương Đức Minh ( Đức Đệ Tam ở đền Cao), Đức Thành hoàng Dương Tôn Linh (Đức Đệ Nhất ở đền Cả) thờ bằng bài vị còn Đức Thánh Vương Đức Xuân (Đức Đệ Tứ) ở đền Bến Tràng (thờ bằng ngai và mũ), Đức Thánh Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu ( Đức Đệ Nhị) ở đền Cả, Đức Thánh Vương Đức Hồng (Đức Đệ Ngũ) ở đền Bến Tràng thờ bằng bát hương cho nên việc khâu áo thánh chỉ được thực hiện với 2 vị thờ bằng bài vị là Thành hoàng Vương Tôn Linh và Đức Đệ Tam Vương Đức Minh. Áo khâu xong được giặt 2 lần bằng nước rượu gừng (nước mưa pha với rượu và gừng tươi giã nhỏ), giặt xong áo được vẩy nước thơm (nước mưa được nấu với các loại lá thơm như sả, hương nhu, quế) được phơi trong đền. Khi phơi áo các quan phải thay phiên nhau đứng canh, không cho ai xem hoặc lại gần. Khi áo khô, các vị quan đám mang cất vào cung cấm đền cao để đến ngày 21 tháng Giêng thay trang phục mới cho đức Thánh. Khâu áo Thánh là một nghi lễ vô cùng độc đáo ở đền Cao. Mang ý nghĩa may áo mới cho đức Thánh để tỏ lòng hiếu thuận như con đối với cha mẹ.