CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ MƯA LỚN DO ẢNH HƯỞNG HOÀN LƯU BÃO SỐ 03
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương: Hồi 13 giờ ngày 24/8/2022, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 420km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây
Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 13 giờ ngày 25/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ). Cảnh báo mưa lớn: từ chiều ngày 25/8 đến đêm 26/8, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm mai (25/8) đến sáng (27/8) khu vực tỉnh Hải Dương có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (cường độ mưa lớn tập trung vào đêm 25 và ngày 26/8 với lượng mưa ở mức từ 100-200mm, có nơi cao hơn). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Thực hiện Công điện số 03/CĐ-PCTT&TKCN phát hồi 15h30’ ngày 24/8/2022 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương về việc ứng phó với bão số 03 và mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống do bão, mưa lớn gây ra trên địa bàn thành phố. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, phường; các phòng, ban, cơ quan, đơn vị; các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động phòng, chống theo kế hoạch. Các xã, phường chủ động thu hoạch các loại cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; có phương án bảo vệ diện tích lúa, cây rau màu, cây ăn quả; đặc biệt lưu ý các khu vực bị úng ngập từ cơn bão số 3 để tiêu thoát kịp thời; chú ý phương án chống úng các khu vực trũng thấp, phòng chống ngập úng các khu đô thị thường xảy ra ngập cục bộ và các khu nuôi trồng thủy sản tập trung; có phương án đảm bảo cho các cơ sở nuôi cá lồng trên sông, yêu cầu các chủ hộ nuôi cá lồng trên sông neo đậu, gia cố lồng, bè để đảm bảo an toàn, đồng thời có các biện pháp phòng, trị bệnh cho cá sau khi mưa, bão xảy ra, phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
2. Tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó thiên tai phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; đảm bảo an toàn công trình hồ đập, thủy lợi, đê điều; chú ý các trọng điểm công trình đê điều, các sự cố sạt lở bãi sông, các công trình còn đang thi công, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, chủ động khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo các khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất; khu vực sạt lở đất chưa khắc phục, triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho hồ đập, khu vực mỏ khai thác đá, đất, đất sét trên địa bàn.
3. Hạt quản lý đê Chí Linh phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuần tra, canh gác, bảo vệ đê; kịp thời phát hiện những sự cố về đê điều, báo cáo kịp thời những sự cố về đê điều với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố; đặc biệt cần lưu ý các vị trí sạt lở kè, bờ sông chưa được xử lý.
4. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Chí Linh phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, phường và các đơn vị triển khai phương án bảo vệ trọng điểm công trình thủy lợi; phòng chống mưa lớn, úng ngập theo kế hoạch; đồng thời theo chặt chẽ diễn biến bão, mưa lớn, báo cáo kịp thời với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, lãnh đạo UBND các xã, phường để chủ động chỉ huy, chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục hậu quả.
5. Hạt Kiểm lâm Chí Linh tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có nguy cơ sạt lở đất để thông báo tới nhân dân biết, phòng tránh.
6. Điện lực Chí Linh chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu.
7. Đài phát thanh thành phố, đài truyền thanh các xã, phường tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin đến các cấp, các ngành và nhân dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó.
8. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố bám sát địa bàn được phân công phụ trách, chủ động kiểm tra và chỉ đạo việc triển khai công tác chuẩn bị đối phó và khắc phục hậu quả mưa, bão gây ra.
9. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Nhận được công văn này, yêu cầu UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, phường; các phòng, ban, cơ quan, đơn vị; thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố khẩn trương triển khai thực hiện./.