VĂN HÓA-XÃ HỘI
THÁNG CHÍN SANG RỒI!
05/10/2022 07:44:36

THÁNG CHÍN SANG RỒI!
Tám tháng lịch âm đã qua đi, hôm nay bước sang tháng Chín. Thời gian trôi đi nhanh thật!
Tháng Chín, Quý Thu với hai tiết khí là Hàn lộ (mát mẻ, khoảng ngày 8 hoặc 9/10 theo lịch dương) và Sương giáng (sương sa, vào ngày 23 hoặc 24/10. Đây là 2 trong 7 tiết khí liên quan đến nước, thủy, mưa, sương (các tiết khác là: Vũ thủy, Cốc vũ, Bạch lộ, Tiểu tuyết, Đại tuyết). Mặt trời dần chuyển xa hơn nên trái đất ít nhận được ánh sáng mặt trời, do vậy tiết trời dần sang mát hẳn, không còn bị cái năng gắt “rám trái bòng” như tháng Tám, thậm chí chuyển lạnh, trời tối sớm hơn, nhất là từ ngày 20 trở đi. Có thể nói, với cơ thể con người, tháng Chín đem lại sự khoan khoái nhất: không nóng, nên không cần phương tiện quạt, chưa lạnh nên chưa cần mặc áo ấm, đắp chăn ấm; làm cho việc triển khai các công việc được dễ dàng.
Tháng Chín, các làng đồng mùa bắt đầu chuẩn bị vào vụ gặt (các trà lúa sớm có thể vào những ngày cuối tháng; ngày nay thì lúa đã chín rộ rồi). Trong khi đó, các làng đồng chiêm trũng, nước rút hẳn, tiến hành cày bừa (làm dầm), còn những chân ruộng có thể cấy chiêm thì cày vỡ để làm nỏ (hay làm ải). Tháng này có hai trận mưa liên quan chặt chẽ đến việc làm mạ. Một trận vào dịp mồng 9 tháng Chín: mưa to để có đủ nước cày bừa ruộng mạ chiêm, nếu không mưa, những chân ruộng mạ không tiện nước phải tát rất vất vả, thậm chí không làm được mạ thì mất vụ chiêm, vì thế có câu “Mồng chín tháng Chín không mưa/Mẹ con bán cả cày bừa mà ăn”. Trận mưa thứ hai, vào dịp 20 tháng Chín, dân gian gọi là “mưa rươi” (mưa nhỏ và rất ngắn, trùng với những ngày rươi ở vùng gần biển ngoi lên). Thực ra đây là mưa bổ sung nước cho các dược mạ mới được gieo, cùng với trận mưa vào nửa tháng sau đó, vào dịp mồng 5 tháng Mười) là mưa thường xảy ra, như một quy luật, được dân gian đúc kết “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm”). Mạ phải gieo vào dịp từ 20 tháng Chín đến cuối tháng, để hơn 2 tháng sau đó, vào cuối tháng Một (11) bắt đầu cấy, vì tuổi của mạ chiêm “già” hơn so với mạ mùa (“Mạ chiêm ba tháng chưa già/Mạ mùa tháng rưỡi ắt là chẳng non”).
Tháng Chín, mát mẻ, sắp được gặt, nên nhiều gia đình trú tính việc tổ chức cưới xin, sửa nhà.
Tháng Chín, nhiều làng có các lễ thức quan trọng thờ thành hoàng, nếu dự tính được mùa thì mở hội. Đa số các làng đồng chiêm tổ chức lễ hạ điền (thực chất là lễ bá cốc, tức gieo mạ, còn cấy thì phải đến cuối tháng Một).
Tháng Chín là giai đoạn cuối của thời kỳ nông nhàn, để chuẩn bị bước vào những ngày “tháng công, đồng vụ” (làng đồng mùa chuẩn bị gặt, làng đồng chiêm thì tích cực làm đất để chuẩn bị cấy).
Ngày nay, nông nghiệp không còn giữ vai trò quan trọng như trước nữa, người nông dân không còn quá vất vả vì các khâu lao tác của sản xuất nông nghiệp. Chính bởi thế, nhắc lại về một nếp sống, nhịp sống của nông thôn và người nông dân xưa để những ai đã từng trải qua thì hồi tưởng, còn những người không trải qua thì biết, hiểu về cuộc sống cha ông xưa...
---------
✍ Bùi Xuân Đính
📸 Chuồn Chuồn Kym

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG THÁI HỌC - THÀNH PHỐ CHÍ LINH

Trưởng Ban Biên tập: Ông Đoàn Hồng Đức-  Chủ tịch UBND phường

Địa chỉ: Số 67, QL37 đường Nguyễn Thái Học, Khu dân cư Ninh Chấp 5, Thái Học, Chí Linh, Hải Dương

Điện thoại: 0915 153 939

Email:                                 @gmail.com

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0